BÀI TUYÊN TRUYỀN THÁNG 10/2024
PHÒNG BỆNH KHI GIAO MÙA
I. Mục đích yêu cầu:
1. Mục đích:
Giúp học sinh biết và hiểu được nguyên nhân, các bệnh thường gặp.
2. Yêu cầu :
100% học sinh thực hiện đúng cách phòng bệnh.
II. Nội dung:
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các e học sinh thân mến! Rất vui được gặp lại các em trong buổi tuyên truyền ngày hôm nay.
Các em thân mến, mùa thu sắp qua đi, mùa đông đang đến gần. Vào thời điểm giao mùa này những "ca bệnh mùa đông" bắt đầu tăng lên. Nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi đột ngột, lúc khô hanh lúc ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Trong khi đó cơ thể con người chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường, thân nhiệt mất ổn định, khả năng đề kháng suy giảm dễ mắc các bệnh giao mùa. Hôm nay cô xin mách nhỏ với các em cách phòng một số bệnh thường gặp nhé!
1. Cảm cúm
Cảm cúm là chứng bệnh thường gặp nhất trong khoảng thời gian này, nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi nắng mưa, nóng lạnh thất thường. Nếu hệ miễn dịch kém và cơ thể không kịp thích ứng với những thay đổi này thì các em sẽ rất dễ mắc cảm cúm. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng sẽ phải chịu đựng cảm giác khó chịu và nếu không sớm điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng làm viêm họng kèm theo sốt. Khi bị cảm cúm, người bệnh có thể sử dụng thuốc trị cảm cúm, tuy nhiên mỗi loại thuốc cảm cúm lại phù hợp với từng bệnh nhân. Tốt nhất khi mắc cảm cúm, nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc; đặc biệt không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong khi đó cảm cúm là do virus gây nên, chính vì thế kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này. Hiện nay, người dân có thể phòng ngừa cúm bằng cách tiêm phòng vắcxin. Tuy nhiên, virus cúm là loại virus biến đổi khá nhanh nên phòng bệnh là tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ. Theo các nhà nghiên cứu, người có nguy cơ mắc cảm cúm cao nên sử dụng vitamin C và kẽm mỗi ngày sẽ giảm được 30% thời gian cảm cúm. Bên cạnh đó để phòng chứng cảm cúm, các em cần lưu ý một số điều cơ bản như đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh sự xâm hại của virus cúm, cần đội mũ nón khi đi ra ngoài, phòng ngủ cũng như nơi ở phải thoáng mát, sạch sẽ; thường xuyên rửa tay để loại trừ mầm bệnh lây lan, tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ sức khỏe bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ lượng nước cơ thể cần.
2. Dị ứng da
Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, kèm theo độ ẩm trong không khí sụt giảm là nguyên nhân gây nên các chứng bệnh da liễu nói chung và dị ứng da nói riêng. Biểu hiện của dị ứng da rất đa dạng có thể là mẩn đỏ, ngứa ngáy, phát ban, chảy nước, nổi mề đay, sưng, phù nề...Khi có những dấu hiệu bất thường này trên da cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám thay vì tự điều trị hoặc làm theo những lời khuyên không có cơ sở khoa học sẽ gây nên những hậu quả khôn lường.
3. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ được coi là dịch bệnh rất phổ biến trong thời điểm giao mùa. Bệnh lây lan rất nhanh. Triệu chứng của đau mắt đỏ là mắt có cảm giác cộm, nhức, đỏ ngầu và tiết ra nhiều nước mắt cùng rử mắt. Trên thực tế việc chữa trị đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân khởi phát của nó, Chính vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, các em cần đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và kê đơn thuốc điều trị kịp thời.
Những biện pháp phòng bệnh khi giao mùa.
- Bổ sung lượng nước cho cơ thể và chế độ thực phẩm hợp lý, nước giúp thanh lọc cơ thể, nâng cao sức đề kháng. Vì thế cần đảm bảo từ 2 lít đến 2,5 lít/1 người/1 ngày.
- Bổ sung các loại Vitamin và các chất đề kháng cho cơ thể, Vitamin có vai trò tăng cường sức đề kháng toàn diện và tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, đồng thời, thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng như:
Ăn chín, uống chín, chọn mua thực phẩm tươi sạch;
Không để thức ăn sống, chín lẫn nhau;
Ăn ngay sau khi nấu xong (tốt nhất là 2 giờ đầu);
Đun chín kỹ các loại thức ăn khi sử dụng lại.
Không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng.
Thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh;
Không ăn tiết canh, gỏi, nem chạo, nem chua, uống nước lã;
Rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Trong các đợt rét, các em cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là 2 gan bàn chân. Chú ý giữ ấm về ban đêm, lúc đi ngủ.
Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, trong lành và thoáng khí giúp các em phòng tránh hiệu quả các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp như: bụi bẩn, khói thuốc lá...
Ngoài ra phải thường xuyên vệ sinh trường, lớp học cũng như nơi ở, giữ cho môi trường luôn “Xanh – sạch – đẹp”.
- Khi các em có các triệu chứng nêu trên nên sớm báo với bố mẹ, người thân đưa đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời và có được những lời khuyên hữu ích nhé!
Cô hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các em phòng được các bệnh thông thường dễ mắc phải trong thời điểm giao mùa này. Chúc các thầy cô giáo và các em có sức khỏe tốt để chúng ta học tốt hơn nhé!