BÀI TUYÊN TRUYỀN THÁNG 11/2024
PHÒNG CHỐNG BỆNH HO GÀ
I. Mục đích yêu cầu:
1. Mục đích:
Giúp học sinh biết và hiểu được khái niệm bệnh ho gà là gì, nguồn lây và cách phòng chống bệnh ho gà.
2. Yêu cầu :
100% học sinh biết được triệu trứng cách phòng chống bệnh ho gà.
II. NỘI DUNG
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các e học sinh thân mến!
Trong buổi sinh hoạt dưới Cờ hôm nay cô trò mình cùng tìm hiểu về bệnh ho gà , triệu trứng và cách phòng bệnh ho gà.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên. Bệnh lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp.
Ho gà là bệnh có khả năng lây nhiễm cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, khi đó khoảng 80% người tiếp xúc cùng gia đình có thể bị lây.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng. Người lớn có thể mang vi khuẩn mà không biểu hiện bệnh và là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ sống ở xung quanh.
Triệu trứng của bệnh ho gà.
Khi mắc bệnh sẽ có biểu hiện sốt, có thể sốt nhẹ kèm theo ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít sau cơn ho, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính. Sau cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, nôn, vã mồ hôi, thở nhanh.
Bệnh có thể có các biến chứng như viêm phổi bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở, co giật, rối loạn tiêu hóa và dẫn tới tử vong.
Cách phòng bệnh ho gà.
Bệnh ho gà hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh ho gà, ngành Y tế khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Thực hiện lau dọn, phun khử khuẩn xung quang lớp học bằng cloramin B. Thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường. Thực hiện rửa tay bằng xà phòng.
2. Chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà khi đủ 02 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm đủ 03 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng và 1 năm sau nhắc lại mũi thứ tư.
3. Người lớn trong gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho chính bản thân.
4. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn sau khi đi ngoài đường về, cần vệ sinh mũi họng, bàn tay, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với trẻ.
5. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí.
6. Thông báo cho trạm y tế xã phường ngay khi có biểu hiện sốt, ho kéo dài trên 01 tuần cần đi khám và điều trị kịp thời.
7. Không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh.
8. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
9. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.
10. Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
Cô mong rằng các thông tin tuyên truyền trên sẽ giúp chúng ta có những kiến thức hữu ích trang bị cho bản thân, bảo vệ gia đình và cộng đồng phòng tránh được căn bệnh Ho gà nguy hiểm.
Cuối cùng tôi xin chúc các thầy cô giáo và các em mạnh khoẻ, học tập và công tác tốt! Xin chào và hẹn gặp lại các em trong các buổi tuyên truyền lần sau!