UBND HUYỆN NINH GIANG
TRƯỜNG TH TÂN QUANG
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
|
Số: 05/KH-THTQ
|
Tân Quang, ngày 6 tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
Phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
trường Tiểu học Tân Quang năm học 2024-2025
Căn cứ công văn hướng dẫn của UBND huyện Ninh Giang về công tác phòng chống thiên tai, ATTH trên địa bàn huyện Ninh Giang;
Căn cứ Công điện số 04 ngày 04/9/2024 của Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện Ninh Giang về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (YAGI)trên địa bàn huyện;
Căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, trường Tiểu học Tân Quang xây dựng kế hoạch phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm học 2024 – 2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn tối đa con người và tài sản của nhà trường.
- Chủ động khắc phục hậu quả, sự cố, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, sớm ổn định công tác dạy và học sau thiên tai.
- Bảo đảm sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng hỗ trợ ngoài nhà trường trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, bão lụt gây ra.
- Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường trong công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai.
2. Yêu cầu
- Công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai phải được duy trì thường xuyên, liên tục trên nguyên tắc đảm bảo “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sắn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Đồng thời chủ động, tự giác tham gia phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo
- Thành lập Ban chỉ huy phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 do Hiệu trưởng làm trưởng ban; Phó Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn làm Phó ban; 01 Bảo vệ là ủy viên thường trực; các tổ trưởng, Tổng phụ trách Đội và nhân viên trường học và giáo viên khác làm ủy viên.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để chỉ đạo các đoàn thể, bộ phận kịp thời ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra trong suốt thời gian diễn ra sự cố (trước, trong và sau) thiên tai.
- Quán triệt sâu rộng trong nhà trường nhằm nâng cao ý thức cho từng cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lụt, thiên tai phải bố trí và di chuyển tài sản về các phòng cao hơn hoặc nơi an toàn tránh hư hỏng khi thiên tai xảy ra, đồng thời chuẩn bị các biện pháp để hỗ trợ, khắc phục.
- Xây dựng phương án huy động về nguồn lực, kinh phí để kịp thời ứng phó với mọi tình huống bất lợi khi có thiên tai xảy ra.
- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo áp thấp nhiệt đới, thiên tai trên các kênh thông tin, kịp thời thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh biết để kịp thời, chủ động thực hiện các phương án, phòng chống hiệu quả. Có kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.
- Kiểm tra việc sử dụng an toàn hệ thống điện, nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước, tường bao, có kế hoạch nạo vét thông thoáng dòng chảy, cống thoát nước, đảm bảo nguồn nước sạch, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.
- Kiểm tra, chặt bỏ cây, cành cây xung quanh nhà trường có khả năng gây nguy hiểm khi giông, bão, lốc xoáy xảy ra.
2. Công tác tuyên truyền giáo dục
- Thông tin thường xuyên, kịp thời cho các đoàn thể, bộ phận về Kế hoạch phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của nhà trường.
- Triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai có ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của các nhà trường.
- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an, các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, cảnh báo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho giáo viên và học sinh.
- Tham mưu, đề nghị với UBND Phường có kế hoạch nạo vét mương thoát nước công cộng phía bên ngoài nhà trường để đảm bảo hệ thống thoát nước trong trường không bị ngập úng.
- Duy trì và đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung phòng chống tác hại của thiên tai, giảm thiểu rủi ro, công tác tìm kiếm, cứu nạn trong các môn học liên quan và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
- Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, bộ phận tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lụt bão gây ra, đặc biệt là trước cổng trường và các dãy nhà cấp 4 có nguy cơ cao bị ngập lụt.
3. Công tác bồi dưỡng, tập huấn
Ban chỉ huy định kì một năm 2 lần (tháng 3 và tháng 8) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh những kiến thức cơ bản về các yếu tố, nguy cơ và cách phòng, chống, ứng phó với thiên tai; tập huấn công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sau sự cố xảy ra, tập trung triển khai vào một số trọng tâm sau:
- Đối với học sinh:
+ Tăng cường cho trẻ thực hành biết chạy, tìm đến nơi an toàn, kêu cứu nhờ sự trợ giúp của người lớn khi có sự cố xảy ra.
+ Tập huấn kỹ năng biết tìm nơi trú mưa bão, gió lốc xoáy như: không đứng dưới gốc cây, không chạy ra đường, ra trời mưa, không lội nước, biết chạy lên nơi cao hơn, vào nhà….khi có mưa bão gió xoáy….
- Đối với CBGVCNV
+ Quán triệt các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
+ Tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng và trách nhiện của tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên ai gây ra nhằm nâng cao nhận thức về tính chất, mức độ nguy hiểm của thiên tai.
+ Tổ chức triển khai phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra như sơ tán học sinh, cứu người, cứu tài sản, công tác vệ sinh trường lớp, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn nước sạch,…
+ Thực hiện diễn tập, xử lý tình huống khi xảy ra thiên tai và tình huống cần tìm kiếm, cứu nạn.
4. Công tác kiểm tra, giám sát
- Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các điều kiện về an toàn trường học như: đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; an toàn phòng chống cháy nổ, phòng, chống tai nạn thương tích; phát hiện các nguy cơ tiểm ẩn rủi ro do thiên tai.
- Thường xuyên kiểm tra giám sát việc tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường. Tổng phụ trách, nhân viên y tế và giáo viên chủ nhiệm là những người thực hiện.
- rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản của đơn vị.
- Kiểm tra hệ thống cây xanh và cây lâu năm để có phương án chăm sóc, cắt tỉa,… để đảm bảo an toàn cho người và cơ cở vật chất khác của nhà trường.
6. Chế độ thông tin, báo cáo
- Trưởng ban chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Phòng GDĐT, UBND xã và các cơ quan, ban ngành, đơn vị phối hợp khi có sự cố thiên tai. Nhận thông tin báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo.
- Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm cung cấp thông tin tới bộ phận mình phụ trách và tổng hợp thông tin báo cáo trưởng, phó ban chỉ đạo.
- Ủy viên thường trực thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo áp thấp nhiệt đới, thiên tai trên các kênh thông tin, kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo.
- Ban chỉ đạo thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh biết để kịp thời, chủ động thực hiện các phương án, phòng chống hiệu quả.
- Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm thông tin kịp thời cho Phụ huynh học sinh để có kế hoạch phối hợp về công tác phòng, chống lụt bão nhằm giảm tối đa ảnh hưởng đến học sinh, CBGVCNV và cơ sở vật chất của nhà trường.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch và phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
- Công khai kế hoạch trên Website nhà trường.
- Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nghiêm túc thực hiện và làm tốt công tác giáo dục học sinh tinh thần cảnh giác phòng chống thiên tai cũng như việc tuyên truyên đến phụ huynh học sinh nhà trường.
- Khi cần thông tin đến các thành viên Ban chỉ đạo sau:
1. Bà Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng - Trưởng ban: 0987867373
2. Bà Ngô Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng - Phó ban: 0986630839
Trên đây là kế hoạch phòng, chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứ nạn năm học 2024- 2025 của trường Tiểu học Tân Quang, đề nghị cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận:
- Phòng GDĐT (b/c);
- Lãnh đạo xã Tân Quang(b/c);
- Thành viên BCĐ;
- CBGV, NV;
- Lưu: Hồ sơ, VT.
|
TM. BAN CHỈ HUY PCTT, TKCN
TRƯỞNG BAN
HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Thị Thu
|