BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG BỆNH GIAO MÙA XUÂN HÈ
Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa xuân – hè, nền nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và lây truyền qua véc tơ như: Cúm các chủng, sởi, rubella, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, viêm não mô cầu…
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Vào thời gian cuối xuân sang hè, thời tiết tuy nắng ấm nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa đông bắc làm tiết trời trở lạnh đột ngột. Đây là nguyên nhân khiến cho chúng ta dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa ...
Giao mùa xuân - hè là thời điểm số lượng trẻ ốm đau, nhập viện tăng do khí hậu thay đổi và thời tiết thuận lợi để các dịch bệnh bùng phát. Thêm vào đó sự nóng - lạnh đột ngột khiến cơ thể không thể điều tiết kịp thích ứng nên dễ dẫn đến sức đề kháng bị yếu đi, thời tiết sẽ chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh như viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm, … Đặc biệt, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, càng rất dễ mắc những bệnh nguy hiểm.
Mùa xuân vẫn được xem là mùa của sự sống, mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài. Tiết trời ấm, nồm và ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn, siêu vi trùng sinh sôi và gây nên các loại bệnh tật ở con người. Do đó, mùa xuân cũng là mùa phát sinh các căn bệnh truyền nhiễm với tỉ lệ cao.
Ngoài ra, do thời tiết nắng ấm nên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến, … cũng phát triển mạnh. Đây là nguồn lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết và bệnh đường tiêu hoá rất nguy hiểm.
Ngoài các căn bệnh phổ biến như cảm cúm, sổ mũi, … thì các căn bệnh khác như viêm màng não mủ, bệnh sởi, thủy đậu, … cũng có nguy cơ trở thành một thứ bệnh dịch lưu hành. Những loại bệnh này hầu hết đều là những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và có những biểu hiện ban đầu gần giống như bệnh cảm cúm. Nếu như chúng ta không chú ý phân biệt chúng để có những sự điều trị kịp thời và đúng đắn thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới đe dọa tới sinh mạng của chúng ta.
Để phòng tránh các bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa chúng ta nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng miệng bằng dung dịch nước muối hoặc nước súc miệng fluor, nhỏ thuốc mũi, thuốc mắt..
Để phòng tránh tốt dịch bệnh, bản thân mỗi chúng ta cần phải chủ động trong việc chống dịch bệnh: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, thu gom, xử lý phế thải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, chủ động phun thuốc diệt muỗi định kỳ, nằm màn để chống muỗi đốt, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh có vắc xin dự phòng như sởi, cúm, quai bị,… tổ chức tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng chống dịch chủ động đến các khu dân cư, trường học, doanh nghiệp….trên địa bàn. Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân, nên phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường, lớp học, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy, loăng quăng để giảm thiểu tác nhân gây bệnh.
Cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ; không nên tụ tập ở những nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh và có chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, tích cực luyện tập thể dục, thể thao, bổ sung thức ăn giàu vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể; tích cực phối hợp với Ngành Y tế trong hoạt động tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch, triển khai các hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh dịch, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để khai báo, để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./